Vài năm gần đây câu chuyện bao bì ngày càng sôi nổi. Nhiều cách nhìn, nhiều cách tiếp cận, đa chiều, đa dạng.
COVID-19
Thời sự nhất là Covid. Trung Quốc nói Covid bám bề mặt bao bì hải sản nhập khẩu, người khác nói ngoài Trung Quốc cả thế giới không ai phát hiện điều này. Covid gây nhiều phiền hà, tai họa, nơi này giãn cách, nơi kia phong tỏa… Thành ra, với bao bì cái được, cái không. Bao bì nước diệt khuẩn, bao bì thực phẩm ăn liền, bao bì cho khẩu trang, … làm không kịp. Bao bì cho tay - “bao tay” đắt hàng, thậm chí bao bì (túi nhựa) đựng người tử vong do Covid sản xuất không kịp. Tai họa của người này lại là cơ hội của người kia.
Trong đại dịch, trong thiên tai, bão lũ, vai trò quan trọng của bao bì một lần nữa được khẳng định, chức năng bảo vệ sản phẩm chứa đựng bên trong đáp ứng yêu cầu vệ sinh, giúp ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Bao bì gọn nhẹ, vừa phải làm cho vận chuyển thực phẩm nhanh và nhiều hơn đến nơi hiểm yếu và cấp bách.
Bao bì nhựa
Cũng là thời sự, “Bao bì Nhựa” ảnh hưởng thế nào đến môi trường? Người ta lúng túng, nhầm lẫn giữa nhựa phân hủy và nhựa phân rã. Đặt trọng tâm vào nhựa thay thế hay nhựa tái chế? Bao bì nhựa nào sẽ bị/được thay thế bởi vật liệu khác? Rõ ràng bao bì nhựa đã hứng nhiều chỉ trích trên toàn cầu, tuy vậy cũng có những nghiên cứu chỉ ra rằng một khi thay thế bao bì nhựa bằng chai lọ thủy tinh có thể làm tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng, và tăng gấp ba lần phát thải nhà kính xảy ra trong quá trình vận chuyển.
Rõ ràng bao bì ngày càng quan trọng trong cuộc sống, vấn đề là bao bì phải biến đổi, thích nghi với điều kiện mới, thích nghi với cả tình huống…bình thường mới.
Nguồn: Hội Bao Bì Việt Nam